Cuộc đời Lê_Hựu_Hà

Lê Hựu Hà sinh ngày 5 tháng 6 năm 1946 tại Biên Hòa, Đồng Nai trong một gia đình theo đạo Phật. Ông có pháp danh là Đồng Thành và không hút thuốc lá, uống rượu bia.

Lên đại học, Lê Hựu Hà ghi tên vào trường Văn Khoa Sài Gòn. Tới Tết Mậu Thân năm 1968, ông bị gọi nhập ngũ tại trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu Gò Vấp, sau giải ngũ vì mắt kém.[1]

Lê Hựu Hà bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 trong ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ của Trường trung học Lasan Taberd. Sáng tác đầu tiên của ông là bài “Yêu em”, bài thứ hai là “Mai Hương“ (tặng người vợ đầu), rồi tiếp theo là “Nhớ thương nhau hoài”, “Chiều về”...

1971-1974: Ban nhạc Phượng Hoàng

Cho tới năm 1971, ông mới nổi tiếng khi lập ban nhạc Phượng Hoàng, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và ca sĩ chính Elvis Phương. Các ca khúc do ông sáng tác được phổ biến lúc này là: “Tôi muốn”, “Hãy ngước mặt nhìn đời”, “Yêu em”, “Lời người điên”, “Hãy vui lên bạn ơi”, “Bài hát cho người tuổi trẻ”, “Huyền thoại người con gái”, “Phiên khúc mùa đông”, “Yêu người và yêu đời”,...

1975-2003: Giai đoạn sau 1975

Ca khúc Lời trái tim muốn nói viết lại từ một bản thảo cũ, chính là những tâm tư về “những tháng năm không có ngày vui” của ông.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, những ngày đầu kiểm soát miền Nam, Lê Hựu Hà bị Sở Văn hóa thông tin Thành phố Hồ Chí Minh nhầm tên ban nhạc Phượng Hoàng và chương trình Phượng Hoàng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nên phải đi học tập “cải tạo tư duy”. Ông bị bắt phải viết tự kiểm, nhận định rằng âm nhạc của ông là thứ “suy đồi và tiểu tư sản thối nát”.[2]

Cho tới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhạc của ông vẫn bị chính quyền cấm đoán vì lại nhầm lẫn tên ban nhạc Phượng Hoàng với tên trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc Phượng Hoàng ở hải ngoại. Bên cạnh đó, Lê Hựu Hà từng bị gọi đi quân dịch năm 1968, học tại trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu nên bị mang lý lịch là “ngụy quân” mặc dù ông chưa từng tham gia chiến đấu và đã sớm giải ngũ.[2]

Sau khi ngưng sáng tác một thời gian khá lâu, ông lập ban nhạc Hy Vọng gồm ông, Quốc Dũng, Mạnh Tuấn, Huỳnh Hiệp, Bảo Chân, Lý Được, Minh Hải, Quốc Dũng và các ca sĩ Sĩ Thanh, Tuyết Loan, Trang Kim Yến; rồi sau đó là ban Phiêu Bồng. Người vợ thứ hai của ông là ca sĩ Nhã Phương.

Trung tâm Thúy Nga là trung tâm ca nhạc hải ngoại phổ biến nhiều sáng tác của ông thời kỳ này như: “Hãy yêu như chưa yêu lần nào”, “Đừng trách người ơi”, “Khổ vì yêu nàng”...

2003: Qua đời

Ông qua đời trong cô độc ngày 9 tháng 5 năm 2003 vì tai biến mạch máu não tại nhà riêng ở đường Hồ Hảo Hớn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, vài ngày sau mới được phát hiện. Trước đó không lâu, ông mới vừa nhận được giấy báo của chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho sang California đoàn tụ với các con và Mai Hương, người vợ đầu tiên.[2]